Nhận định Phim cổ trang Việt Nam

Do đại đa số các phim cổ trang đều mang hơi hướng lịch sử, nên dòng phim này gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất và thường bị soi mói nhiều về mặt nội dung, phục trang, tư liệu.[15] Trường hợp phim Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long bị xem là "Phim Trung Quốc nói tiếng Việt" và bị cấm phát sóng là ví dụ điển hình.[16]. Bộ phim được phát thay thế Đường tới thành Thăng Long là Huyền sử thiên đô cũng bị dư luận làng Kim Văn (Hà Nội) phản ứng vì hình tượng nhân vật công chúa Lê Cúc Phương trong phim bị sai lệch so với thành hoàng của làng.[17]

Câu chuyện của Huyền sử thiên đô đã dẫn đến những tranh luận về hư cấu trong phim cổ trang. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (Ngọn nến hoàng cung) nhận xét: Khi xem phim lịch sử trong nước, đa số từ nhà làm phim đến khán giả và cả giới phê bình đều quan tâm đến sự kiện, trang phục, binh khí, đạo cụ, bối cảnh quay... có đúng lịch sử không, mà ít ai bàn đến nội dung phim, trong khi vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung câu chuyện. Không chỉ đề tài về lịch sử mà tất cả những đề tài khác đều phải có câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn. Đạo diễn Đào Bá Sơn (Long thành cầm giả ca) thì đưa ra quan điểm: Một phim lịch sử hay chắc chắn phải hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là khả năng, tài năng của người làm phim; thứ hai là sự hiểu biết, tri thức; thứ ba là sự tôn trọng lịch sử của chính những người làm phim và phải có tâm trong góc độ nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng cho rằng: trong một bộ phim lịch sử không thể có sự hư cấu quá mức, bắt buộc phải tôn trọng chi tiết, sự kiện lịch sử. Trên cơ sở đó, người làm phim chỉ được quyền có sự hư cấu nhất định, nhưng phải nằm trong khuôn khổ để không tạo ra sự phi lý khiến người xem cảm thấy không chấp nhận được.[18]

Dù vậy, vấn đề đạo cụ phục trang, bối cảnh, ngôn ngữ,... vẫn luôn là những cản trở lớn đối với những người làm phim cổ trang.[19][20] Chỉ lấy trường hợp phim Huyền sử thiên đô, chi phí sản xuất phim này gấp tới 6-7 lần các phim thông thường[21], phim cứ bấm máy rồi lại ngừng. Bộ phim có kịch bản 72 tập nhưng chỉ quay được 42 tập thì giải tán đoàn làm phim, đến khi đem bán cho Đài truyền hình Việt Nam thì phim còn bị lên kế hoạch ngừng phát sóng giữa chừng. Tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn nói Kịch bản đã có đủ, không sản xuất sớm thì sản xuất khi khác. Nếu xem vài tập khán giả chán thì dừng lại là vừa. Nhưng khán giả ủng hộ thì nên sản xuất tiếp.[22] Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh (Trạng Quỳnh) thì chia sẻ rằng: Tại Việt Nam, làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang khó gấp 10 lần so với các thể loại khác. Bởi bối cảnh, phục trang... của chúng ta không nhiều. Do đó, đoàn làm phim phải làm lại từ đầu và gần như toàn bộ.[23] Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng tổng kết lại ba vấn đề chính của phim cổ trang là: Sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm; Trong quá trình sản xuất thiếu công nghệ hỗ trợ; Thiếu cái nhìn khách quan về phim lịch sử, vẫn còn nhìn câu chuyện lịch sử một cách đóng khung.[24]

Vấn đề diễn viên cũng là một trở ngại lớn. Những bộ phim lấy bối cảnh quá khứ từ vài trăm năm đến hàng ngàn năm tạo nên cơn "khát" diễn viên cổ trang.[25] Phần nhiều diễn viên đóng phim cổ trang từ những năm 2010 trở lại thiếu tìm hiểu bối cảnh lịch sử, nghiên cứu nhân vật lịch sử mà bản thân thủ vai, không thể hiện được nội tâm của nhân vật. Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh ví von rằng: Không phải bạn mặc một bộ quần áo công chúa vào là bạn trở thành công chúa được đâu.[26] Võ thuật Bình Định thường được ưu ái lựa chọn để quay các cảnh hành động trong phim[27], nhưng lại thiếu những cảnh quay đối kháng có chất lượng. Phải từ Dòng máu anh hùng (2006), các cảnh hành động trong phim cổ trang điện ảnh mới được đầu tư nhiều hơn, trong khi phim truyền hình vẫn "dậm chân tại chỗ".[28] Bản thân việc đóng phim với phục trang trong điều kiện thời tiết cực đoan, những cảnh hành động cưỡi ngựa mặc giáp là những cảnh quay nguy hiểm, có thể ảnh hưởng với sức khỏe của diễn viên.[29]

Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có một trường quay chuyên nghiệp nào dành cho phim cổ trang. Phục trang trong các bộ phim cũng bị soi rất kỹ và có thể gây phản ứng trái chiều. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (Đất và người) nhận xét: "Thực tế rất nhiều phim lịch sử của chúng ta xa rời đời sống, nhất là về phục trang. Đành rằng làm nghệ thuật là sáng tạo và có tính thẩm mỹ cao, cách điệu đời sống, nhưng không thể xa rời mà phải trên cơ sở đời sống."[30]

Tháng 11 năm 2012, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam ghi nhận những thành công trong việc đưa đề tài lịch sử vào phim ảnh và phê phán những vấn đề bất cập tồn tại.[31] Phim cổ trang Việt Nam được định hướng nhằm ngăn chặn "Cơn lũ điện ảnh cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc"[32] dẫn tới tình trạng người Việt Nam am hiểu lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,... hơn lịch sử Việt Nam (còn gọi là Dân ta đói sử ta[33]) và được xem là công cụ hữu hiệu quảng bá tên tuổi đất nước.[34] Dòng phim cổ trang được xem như một bài toán khó, chi phí tốn kém nhưng khán giả lại có những yêu cầu rất cao, dẫn đến thực tế là phim cổ trang Việt "lép vế ngay tại sân nhà" và "lực bất tòng tâm".[35] Đạo diễn Đinh Thái Thụy (Mỹ nhân) thì chia sẻ rằng: "Các nhà làm phim vẫn đang… mắc nợ khán giả yêu phim ảnh Việt về đề tài sử Việt".[36]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phim cổ trang Việt Nam http://www.phimconggiao.com/ao-dong-dam-mau/ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phi... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://baophapluat.vn/noi-bat-tren-bao-in/khi-bao-... http://baovanhoa.vn/giai-tri/%C4%91ien-anh/artmid/...